Tăng Nguyên Giai là ai? Có lẽ chỉ người trong làng cờ mới biết đến ông, người đặt nền móng cho đội cờ tướng Bình Dương. Có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cờ tướng Việt Nam.
Tăng Nguyên Giai
Danh thủ Tăng Nguyên Giai tên thật trên giấy khai sinh là Tăng Vĩ Minh (sinh năm 1955 – mất ngày 20/11/2009) biệt danh Sò Mừng. Anh là một danh thủ người Hoa nổi tiếng của quận 11 cùng thời với cố danh thủ Trần Quới (Lác Chảy), Nguyễn Văn Xuân (Kim Mao Sư Vương), Mai Thanh Minh (Độc Cô Cửu Kiếm) …vv … Anh rất đam mê cờ tướng đồng thời cũng là một mạnh thường quân có tâm thường xuyên giúp đỡ các anh em kỳ thủ nghèo khó khăn của làng cờ Sài Gòn giai đoạn thập niên 2005 – 2009.
Tăng Nguyên Giai (Đứng giữa) cùng các thành viên đội cờ Bình Dương
Do bản thân cũng ít tiếp xúc với cố danh thủ Tăng Nguyên Giai nên tư liệu viết về anh chắc chắn sẽ thiếu sót. Trong khuôn khổ bài viết chỉ sưu tầm những câu chuyện nói về anh qua những lần café trò chuyện với bạn bè và các kỳ thủ giang hồ khác của làng cờ Sài Gòn.
Cuộc đời
Năm 1982, anh bước chân vào giới giang hồ của khu vực Chợ Lớn thường xuyên đánh độ không ngại bất cứ kỳ thủ nào miễn sao ra kèo cân là được nghe nói mối ruột của anh chính là Kim Mao Sư Vương – Nguyễn Văn Xuân nổi tiếng thời kỳ đó, những ván cờ độ đó có giá trị cũng tương đối lớn nên thu hút rất nhiều kỳ thủ giang hồ khác đến xem và theo độ.
Thời kỳ đó, danh thủ Nguyễn Văn Xuân chấp anh đến 2 tiên mà anh thua liểng xiểng, sau khi thua về anh tự nghiên cứu phá thế cuộc chấp 2 tiên và ghi chép lại, cứ mỗi lần thua là về nghiên cứu phá để ngày sau ra rủ đánh tiếp và coi như bửu bối xung trận khi gặp các danh tướng, do đó thời kỳ đầu Kim Mao Sư Vương còn chấp được 2 nước tiên sau đó phải hạ xuống 1½ tiên rồi 1 tiên mới cân kèo.
Do bản tính mê cờ và hiếu thắng nên giai đoạn 1982 đến năm 1987 thì ngoài danh thủ Nguyễn Văn Xuân ra thì anh cũng tỉ thí với các cao thủ khác ở khu vực Chợ Lớn như Chung Cường, Âu Thiếu Huê, Hà Thật Quyền …
Theo như lời kể bản tính của anh là rất hiếu khách, sẵn sàng nhận lời thách đấu của tất cả các cao thủ đương thời bấy giờ …vv… có khi đánh ngoài quán, có khi đánh tại nhà riêng của mình chình vì thế mà công lực cờ của anh thăng tiến rất nhanh đến năm 1988 thì Nguyễn Văn Xuân không thể chấp được 2 tiên và không còn ăn chẻ tre dễ như lúc trước. Anh thi đấu cờ cho đội tuyển cờ quận 11 chung với Trềnh A Sáng, Trương A Minh, Dương Hùng, Hà Thật Quyền … tại các giải thành phố giai đoạn 1988 – 1994.
Nghiệp cờ
Năm 1992 anh cũng có tên trong đội hình tuyển nam thành phố Hồ Chí Minh tham dự giải vô địch quốc gia tại Đà Nẵng với bảng xếp hạng thành tích cá nhân khiêm tốn. Đến năm 1995 thì nghe nói anh lên Bình Dương lập nghiệp làm ăn tạm thời nghỉ chơi cờ một một thời gian và anh chỉ chơi cờ giao lưu vào những lúc thời gian rãnh rỗi và trả tiền bằng một chầu nhậu chứ không độ tiền lớn như lúc trước.
Do có kiến thức về cơ khí nên sau 10 năm (1995-2005) lập nghiệp thì anh có trong tay một số vốn kha khá do trúng đậm nhiều phi vụ làm ăn hợp đồng máy móc với công ty Đài Loan cung cấp dàn máy cho các công ty sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương nên từ đó anh cũng thường xuyên giúp đỡ những bạn cờ nghèo chí cốt thân thiết với mình khi xưa có thể đến là cố danh thủ Nguyễn Văn Xuân và Mong Nhi.
Tăng Nguyên Giai chụp chung với các kỳ thủ
Năm 2005, Anh đã tự bỏ tiền cá nhân ra tài trợ và tổ chức giải Cờ Tướng Đồng Đội TP.HCM Mở Rộng tại Quận 5 (Đại Thế Giới) quy tụ rất nhiều danh thủ hàng đầu quốc gia tham dự như Trềnh A Sáng Trương A Minh, Nguyễn Thành Bảo, Mai Thanh Minh … và giải Đồng Đội Mở Rộng đã tạo tiếng vang rất lớn thời kỳ đó đồng thời chính là tiền thân của giải Các Danh Thủ TP.HCM Mở Rộng – Tranh Cup Du Lịch
Phương Trang vào một năm sau đó khi có tập đoàn Phương Trang tiếp sức vào và được duy trì cho đến nay là lần thứ 6. Đầu năm 2007, giải cờ tướng vô địch quốc gia tổ chức ở hội trường Ba Son (Tp.HCM) thì anh thường xuyên tiếp đãi ĐCĐS Hứa Ngân Xuyên sang Việt Nam tập huấn cho đội tuyển nam & nữ Tp.HCM. Anh rất trọng thị hiếu khách luôn gọi Hứa Ngân Xuyên là “Ông Thầy” trên suốt chuyến đi Đà Lạt dã ngoại nghĩ mát, cùng đi có Võ Minh Nhất, Ng Trần Đỗ Ninh, Phạm Mạnh Thừa và ông Cao Phước Lộc (đi theo có nhiệm vụ chụp hình).
Người kiến tạo đội cờ Bình Dương
Vào giữa năm 2007, anh đã tự thân bỏ tiền túi ra chiêu mộ các kỳ thủ hạng B của làng cờ Sài Gòn không thể cạnh tranh một chổ đứng vào đội tuyển thành phố như Diệp Khai Hằng, Nguyễn Anh Hoàng, Hứa Quang Minh, Lâm Hữu Lương … chỉ có một vận động viên chủ lực gánh đội chính là Kim Mao Sư Vương – Nguyễn Văn Xuân (đối thủ cờ giang hồ với mình trước đây) về thi đấu cho tỉnh Bình Dương tham dự giải Vô Địch Đồng Đội Toàn Quốc tại Bình Định với lời hứa của BGĐ Sở TDTT Tỉnh Bình Dương: nếu có huy chương sẽ đầu tư cho cờ tướng.
Tại giải đồng đội năm đó đội nam Bình Dương với chủ lực là Nguyễn Văn Xuân xếp hạng 4 cá nhân và đồng đội đoạt HCĐ xếp sau đoàn TP.HCM, BRVT, xếp trên đoàn Bình Định, Đà Nẵng … một thành tích ngọt ngào dành cho ông bầu Tăng Nguyên Giai. Khi đón nhận tin mừng anh đã tức tốc thuê hẳn chiếc xe 16 chổ ra Bình Định để động viên khen thưởng các anh em kỳ thủ đồng thời chở tất cả các kỳ thủ ra về.
Kim Mao Sư Vương – Nguyễn Văn Xuân chính là vận động viên chủ lực của đội và góp công rất lớn cho đội tuyển tỉnh Bình Dương lần đầu tiên tham dự chen chân vào tốp 04 đội mạnh toàn quốc với thành tích “Hạng Ba Đồng Đội” và chính nhờ tấm “huy chương đồng cứng” này mà lãnh đạo tỉnh Bình Dương trước nay thờ ơ với môn cờ tướng mới chịu đầu tư xây dựng thành lập đội tuyển và trả lương cho các kỳ thủ.
Có lẽ chính nhờ tâm huyết rất lớn của cố danh thủ Tăng Nguyên Giai và sự đóng góp công sức của Kim Mao Sư Vương đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên đội tuyển nam Bình Dương như ngày hôm nay. Và cái tên “Mạnh Thường Quân – Tăng Nguyên Giai” được mọi người biết nhiều kể từ đó.
Theo như lời kể thì thời kỳ đó các tay cờ trẻ như Nguyễn Vũ Quân, Nguyễn Thành Bảo, Uông Dương Bắc … đều nghe danh và tìm đến giao đấu với Sò Mừng và dĩ nhiên phải chấp chút đỉnh tầm 1 tiên, không hề gì anh cân hết. Thực chất ra lúc đó anh đã dư dã tiền bạc nên các ván cờ lúc đó của anh chỉ mang tính giải trí chứ không có tính sát phạt cay cú ăn thua và phần thua lúc nào cũng về phía anh. Cố danh thủ Nguyễn Vũ Quân lúc Nam tiến vào Sài Gòn học nghệ cũng được anh giúp đỡ ít nhiều.
Lúc ở Bình Dương giai đoạn 2007-2009, anh cũng giúp đỡ kinh phí cho con của anh Đỗ Nguyên Thành (phụ trách môn cờ vua tỉnh Bình Dương, nay đã mất) tham dự giải cờ vua trẻ Châu Á 2007 và giải cờ vua các nhóm tuổi ASEAN mở rộng năm 2008.
Đầu năm 2009, tỉnh Bình Dương đăng cai giải Vô Địch Quốc Gia tại khu du lịch Phương Nam mà nguồn kinh phí tổ chức phần lớn đều do anh tài trợ. Lần đầu tiên giải vô địch quốc gia được tổ chức chu đáo có nước uống, đồ ăn nhẹ cho trọng tài, vận động viên trong khu vực thi đấu suốt cả thời gian tổ chức giải. Năm đó, ĐCQTĐS Nguyễn Vũ Quân lên ngôi vô địch.
Làng cờ Bình Dương mất đi một nhà tài trợ
Sáng thứ Sáu ngày 20/11/2009, trong lúc ăn điểm tâm sáng anh đã bị đột quỵ (nghe nói là nhồi máu cơ tim) và qua đời ở tuổi còn tương đối trẻ: 55 tuổi (1955-2009). Đó là một tổn thất lớn cho đội tuyển nam cờ tướng Bình Dương khi mất đi một mạnh thường quân yêu cờ trong sáng và có tâm huyết lớn … và anh em làng cờ Sài Gòn – Chợ Lớn cũng mất đi một kỳ thủ, một mạnh thường quân, một “ông bầu TỐT” chỉ biết cho đi không đòi hỏi gì về quyền lợi cho bản thân mình.
Tổ chức Giải Đấu Tăng Nguyên Giai để nhớ đến 1 người thúc đẩy làng cờ tướng Việt Nam